Chi tiết tin - Xã Hải Lâm - Hải Lăng

 

Hình ảnh
Video clip
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập 1
  • Hôm nay 72
  • Tổng truy cập 23.281

Tổng quan về xã

8:27, Thứ Ba, 15-8-2023

1. Vị trí địa lý 

Xã Hải Lâm nằm về phía Tây Bắc của huyện Hải Lăng. Tọa độ địa lý: từ 16034’40’ - 16043’36’ vĩ độ Bắc và 105059’45 kinh độ Đông. Diện tích tự nhiên 8.274,67ha.

Hải Lâm có đường giáp ranh chung với các đơn vị:

- Phía Đông giáp thị trấn Diên Sanh

- Phía Tây giáp xã Hải Phúc (huyện Đakrông).

- Phía Nam giáp xã Hải Sơn, Hải Trường.

- Phía Bắc giáp xã Hải Phú, Hải Thượng và xã Hải Lệ, TX Quảng Trị.

Xã có đường Quốc Lộ 1A và đường sắt Bắc Nam đi qua, từ trung tâm xã dọc quốc lộ 1A về phía Bắc nối với thị xã Quảng Trị, dọc theo tỉnh lộ 582 về phía Đông nối với chợ Diên Sanh tạo thành 2 trục giao thông có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội. Dân cư trong xã sống phân bố rộng, chia làm 5 thôn, trong đó 4 thôn thuộc vùng gò đồi và 1 thôn ở vùng đồng bằng. Trên địa bàn xã có sông Nhùng chảy qua các thôn và diện tích đồi núi, đất rừng lớn. Do vị trí địa lý như trên nên xã Hải Lâm có lợi thế rất lớn trong việc giao lưu với các vùng lân cận để phát triển kinh tế - xã hội theo mô hình nông nghiệp toàn diện.

2. Địa hình

Xã Hải Lâm là một xã bán sơn địa, phần lớn diện tích là vùng đồi núi. Địa hình có ba dạng chủ yếu sau:

- Dạng địa hình có đồi núi thấp có độ cao trên 100 m so với mực nước biển, tập trung vùng phía tây của xã giáp với huyện ĐaKrông, với diện tích khoảng 4780 ha. Dạng địa hình này có độ dốc khá lớn nên hiện tượng xói mòn rửa trôi xảy ra khá mạnh.

 - Dạng địa hình gò đồi thấp, đây là vùng chuyển tiếp giữa vùng đồi núi cao và vùng đồng bằng. Dạng địa hình này có độ dốc tương đối thấp, thuận lợi cho việc khai thác sử dụng vào mục đích lâm nghiệp và trồng cây lương thực hàng năm.

 - Dạng địa hình đồng bằng tương đối bằng phẳng, phân bố ở khu vực phía đông của xã. Dạng địa hình này có hai loại đất chủ yếu đó là đất cát và đất phù sa, thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp. Chủ yếu là trồng lúa nước và cây hoa màu.

3. Khí hậu

Khí hậu Hải Lâm mang đặc điểm chung của khí hậu đồng bằng Quảng Trị, được coi là vùng khí hậu khá khắc nghiệt, chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam khô, nóng thổi mạnh từ tháng 3 đến tháng 9 thường gây nên hạn hán. Từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau chị ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc kèm theo mưa nên dễ gây lũ lụt. Trong năm có 2 mùa, mùa nắng và mùa mưa. Về mùa nắng, có nền nhiệt độ cao kết hợp với gió mùa Tây Nam khô và nóng, độ ẩm không khí thường xuyên dưới 50%, đây là nguyên nhân làm thiếu nước, gây khô hạn ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt cho người dân. Mùa mưa thường kèm theo gió mùa Đông Bắc lạnh và ẩm, gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng.

Nền nhiệt độ tương đối cao, thuận lợi cho việc phát triển đa dạng cây trồng vật nuôi, luân canh tăng vụ, tăng hệ số sử dụng đất. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 24-25­­0 C. Nhiệt độ tháng cao nhất (từ tháng 5-tháng 7) khoảng 350 C, có khi lên tới 400 C, tháng thấp nhất (từ tháng 1 đến tháng 2) khoảng 180C, có khi xuống đến 12-130C. Nhìn chung biên độ nhiệt trong năm khá lớn.

Lượng mưa trung bình hàng năm từ 2500–2700 mm, phân bố không đều qua các tháng mà tập trung chủ yếu vào tháng 9, 10, 11 chiếm từ 75 - 80% lượng mưa cả năm, nên thường gây lũ lụt làm ngập úng, sạc lở, ảnh hưởng đến việc bố trí thời vụ sản xuất nông nghiệp.

4. Tài nguyên thiên nhiên:

4.1. Tài nguyên nước

- Hải Lâm là một xã có nguồn nước khá dồi dào, được cung cấp bởi hệ thống sông Nhùng chảy qua địa bàn xã và các hồ trữ nước bao gồm: hồ Thác Heo, hồ Khe Rò, hồ Cầu Mưng, hồ Choại, hồ Đập Thanh,… đây là nguồn nước ngọt dồi dào thuận lợi cho việc phát triển trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, nên vào mùa khô lưu lượng nước ít, mực nước thấp gây khó khăn trong việc tưới cho cây trồng. Ngược lại về mùa mưa thường gây ra ngập úng.

4.2. Tài nguyên đất đai

Theo các tài liệu thì xã Hải Lâm có các loại đất chính như sau:

- Đất đỏ vàng trên đá biến chất và đá sét: chiếm hơn 70% diện tích tự nhiên của xã, loại đất này phân bố chủ yếu ở phía tây của xã, có địa hình dốc, tầng đất mỏng, thành phần cơ giới trung bình, độ phì nhiêu kém, không có nước tưới, có thể sử dụng vào mục đích trồng rừng, và cây lương thực có tính chịu hạn.

- Đất phù sa ngòi suối: Diện tích khoảng 400 ha được hình thành do quá trình bồi tụ phù sa của sông Nhùng. Do đặc điểm địa hình chi phối quá trình bồi tụ nên hình thành các dãy đất nhỏ ven sông, loại đất này có đặc điểm thành phần cơ giới thịt pha cát, dinh dưỡng khá màu mở, thuận lợi cho trồng lúa và các loại hoa màu.

- Đất dốc tụ: chiếm diện tích nhỏ, loại đất này được hình thành do tích tụ của các sản phẩm phong hóa và rửa trôi từ trên cao đưa xuống.

- Đất cát trắng: chiếm diện tích nhỏ khoảng 65 ha, đây là loại đất nghèo chất dinh dưỡng, dể bị rửa trôi. Loại đất này có thể sử dụng vào mục đích lâm nghiệp và phi nông nghiệp.

4.3. Tài nguyên khoáng sản

Hải Lâm có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào rất thuận lợi cho việc phát triển các ngành công nghiệp, xây dựng, tiểu thủ công nghiệp như:

- Về cát, sỏi lòng sông: tập trung trên sông Nhùng dồi dào trữ lượng lớn rất thuận lợi cho việc khai thác vật liệu xây dựng. Hiện nay có 01 đơn vị đang lập thủ tục xin khai thác và 01 đơn vị đang tiếp tục thăm dò để khai thác cung cấp vật liệu xây dựng.

 - Về than bùn: Hải Lâm có nguồn đất bùn lớn để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy phân vi sinh.

- Về nguồn đất sét: trên địa bàn xã còn có nguồn đất sét thuận lợi cung cấp nguyên liệu cho nhà máy gạch Tuy nen.

- Về cát trắng: nằm ở phía Bắc của xã hiện đang được công ty ViCo thăm dò và chuẩn bị khai thác.

Về Di tích: Trên địa bàn xã có 04 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh đó là: “Đình làng Mai Đàn”; “Địa điểm cầu Dài”; “Địa điểm đồi Dốc Chương” và “Địa điểm đóng quân và hoạt động của Liên đội Thanh niên xung phong giải phóng Quảng Trị (1965-1969)”.

Tóm lại: Điều kiện tự nhiên của xã cơ bản thuận lợi cho việc đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá. Vị trí địa lý thuận lợi, có quốc lộ 1A đi qua, gần khu công nghiệp làng nghề, khu Vsip, ga Diên Sanh... tạo điều kiện cho phát triển giao lưu thương mại, trao đổi hàng hoá, văn hoá trong và ngoài vùng. Đây cũng là động lực cho việc phát triển sản xuất, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hình thức nông sản hàng hóa kinh tế thương mại, dịch vụ. Điều kiện thổ nhưỡng đa dạng, phân vùng rõ rệt phù hợp với việc đa dạng hoá cây trồng: Cây nông nghiệp, cây công nghiệp, lâm nghiệp; Vùng gò đồi phía Tây: Thuận lợi cho phát triển lâm nghiệp, trồng rừng sản xuất; Vùng đồng bằng phía Đông: Địa hình đồng bằng thấp tạo ra một vùng sinh thái nông nghiệp đa dạng với nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản; Có nguồn khoáng sản tự nhiên như cát sạn, đất sét, đất bùn thuận lợi cho việc phát triển các ngành công nghiêp, vật liệu xây dựng.

Các tin khác